Zalo

Chạy bộ đúng cách giúp cải thiện đường huyết

Người bệnh tiểu đường cần vận động phù hợp với lượng thuốc và thức ăn nạp vào cơ thể để mang đến nhiều lợi ích, ổn định đường huyết.

BS.CKI Võ Trần Nguyên Duy (khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM) cho biết, tập thể dục tốt cho sức khỏe, nhất là với người tiểu đường. Quá trình luyện tập giúp cải thiện độ nhạy insulin cùng nhiều lợi ích khác như lưu thông máu, giảm căng thẳng... Tuy nhiên, chế độ luyện tập cần phù hợp với việc dùng thuốc, insulin và ăn uống. Dưới đây là những lưu ý cho người bệnh tiểu đường khi chạy bộ.

Chọn cự ly chạy phù hợp: Người bệnh tiểu đường nên chạy bộ với thời gian ngắn, khoảng 20-45 phút. Trong trường hợp chạy thời gian dài từ 1-2 giờ, người bệnh cần chạy với tốc độ chậm rãi. Chạy trong thời gian dài chỉ khuyến nghị cho người tiểu đường đã phát triển thói quen và thể lực tốt từ những lần chạy ngắn hơn. Trước khi chạy, người bệnh nên ăn nhiều đường hơn thường ngày để tránh nguy cơ hạ đường huyết. Sau khi chạy, người bệnh cần ăn bữa lớn kết hợp với giảm lượng insulin cả ngày theo chỉ định của bác sĩ để ngăn ngừa hạ đường huyết vào buổi tối.

Người bệnh đang sử dụng insulin, sulphonylurea và glinide cần lưu ý với chứng hạ đường huyết, tránh chạy sau 2-3 giờ tiêm insulin tác dụng nhanh.

Đi bộ trước khi chạy bộ: Người bệnh không nên bắt đầu chạy bộ bằng cách cố gắng chạy 5 km mỗi ngày. Thay vào đó, bạn nên bắt đầu bằng cách đi bộ 30 phút vài lần một tuần, sau vài tuần thì thêm vào các đợt chạy bộ ngắn. Bạn nên chạy đủ 30 phút và từ đó tăng tốc độ và khoảng cách.

Lựa chọn thời gian tập: Nhiều người bệnh tiểu đường thấy đường huyết ổn định khi chạy ngay sau khi ăn. Nhưng điều này không tốt cho dạ dày. Thời gian phù hợp vẫn là 30 phút sau khi ăn. Ngoài ra, chạy bộ sau bữa ăn tối có thể giúp bệnh nhân tiểu đường kiểm soát lượng đường huyết trong 24-72 giờ, ít đối mặt với các triệu chứng hạ đường huyết (run, yếu, lú lẫn...).

Chọn quần áo tập: Quần áo tập thể dục, chạy bộ cần rộng rãi, thoáng mát để quá trình luyện tập hiệu quả, giảm thiểu ma sát gây trầy sướt, phòng rộp da. Để đảm bảo sức khỏe, không chỉ quan tâm đến đường huyết, người bệnh tiểu đường nên chăm sóc đôi bàn chân. Mang giày thể thao thoải mái hoặc giày bít mũi trong quá trình chạy giúp giảm thiểu tai nạn trầy xước, phồng rộp da chân. Bởi người bệnh tiểu đường dễ bị nhiễm trùng, nếu xuất hiện tổn thương ở chân, vết thương sẽ khó lành, ảnh hưởng đến sức khỏe. Trước khi chạy, khởi động tay chân còn giúp các cơ dẻo dai.

Mang giày thể thao thoải mái hoặc giày bít mũi trong quá trình chạy để giảm thiểu tai nạn trầy xước, phồng rộp da chân.

Kiểm tra chỉ số đường huyết thường xuyên: Kiểm tra chỉ số đường huyết thường xuyên là điều tiên quyết cần làm trước khi chạy bộ. Người bệnh cần kiểm tra trước, trong và sau khi tập để đảm bảo đường huyết ổn định.

Tìm người chạy bộ cùng: Khi có người chạy bộ cùng, việc luyện tập sẽ vui vẻ, hào hứng hơn. Quá trình luyện tập có người cùng chia sẻ, tâm sự cũng giúp người bệnh giải tỏa căng thẳng; sớm phát hiện bất thường, xử trí kịp thời, tránh nguy kịch tính mạng.

Đem theo nước: Uống nước thường xuyên để đảm bảo sức khỏe trong quá trình tập luyện.

Chuẩn bị đồ ăn: Người bệnh chạy đường dài cần chuẩn bị thêm kẹo, đường... phòng hạ đường huyết. Bạn dừng lại sau khoảng 20-45 phút chạy để kiểm tra đường huyết, ăn 1-2 miếng thức ăn chứa carbohydrat như bánh mì sandwich... để đảm bảo năng lượng ổn định. Nếu thấy các triệu chứng của hạ đường huyết, ăn ngay 3-5 viên kẹo cải thiện tình trạng này.

Bác sĩ Duy khuyên người bệnh có thể tập luyện với huấn luyện viên thể dục để có những bài tập khoa học, phù hợp với thể trạng. Tham khảo ý kiến bác sĩ điều trị giúp xây dựng chế độ ăn uống, luyện tập và điều chỉnh thuốc phù hợp.